Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Các loại trái cây tập trung dinh dưỡng ở vỏ

Bạn có biết rằng táo, nhỏ hay một số loại trái cây khác tập trung tới 90% chất dinh dưỡng ở vỏ? Nhưng chúng ta thường bỏ vỏ đi khi ăn các loại trái cây này
Chất chống oxy hóa. Các chất chống oxy hóa như anthocyanins, flavonoids, vitamin C… lại thường nằm ở vỏ, những chất này có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể chống lại các gốc tự do gây hại cho cơ thể, đồng thời phòng ngừa bệnh tim mạch, tăng cường khả năng miễn dịch.
Một số quả có chứa chất dinh dưỡng ở vỏ nhiều hơn
Táo: Vỏ táo giàu vitamin C, anthocyanin và các hợp chất polyphenol khác.
Đỗ xanh: Thành phần chính của đỗ xanh đã bỏ vỏ là protein và tinh bột, trong khi vỏ đỗ xanh có chứa lượng lớn các thành phần chống lão hóa như  flavonoid, tanin, saponin…
Cà tím: Trong vỏ cà tím chứa phần lớn các chất anthocyanin và flavonoid.
Nho: Vỏ nho không chỉ chứa nhiều thành phần chống lão hóa, mà còn chứa chất resveratrol có tác dụng giảm mỡ máu, ngừa huyết khối, chống xơ cứng động mạch.
Một số loại đậu. Đậu đen, đậu đỏ, đậu phộng, đậu tây đều có vỏ chứa nhiều thành phần chống oxy hóa.
Chất chống ung thư
Củ cải: Vỏ củ cải chứa khá nhiều các chất isothiocyanate, là thành phần chủ chốt có tác dụng chống ung thư.
Cà chua: Vỏ cà chua giàu chất lycopene, là một trong những chất tự nhiên chống lão hóa mạnh nhất, đồng thời có khả năng phòng ngừa bệnh tim mạch và các bệnh ung thư.
Chất xơ và các thành phần dinh dưỡng khác
Hầu hết vỏ các loại rau quả đều giàu chất xơ, có khả năng thúc đẩy nhu động ruột, lợi cho việc ngăn ngừa táo bón, như vỏ táo, vỏ cà chua, vỏ nho, vỏ đậu đỏ…
Bên cạnh đó vỏ quả cũng tập trung khá nhiều các loại khoáng chất và vitamin: Vỏ cà tím chứa vitamin P, B; vỏ lê giàu chất sắt và chất kẽm; vỏ táo chứa nhiều crom hơn cả thịt.
Nếu bạn sợ trên vỏ rau quả vẫn còn thuốc trừ sâu thì khi rửa hãy dùng lực chà sạch vỏ dưới vòi nước, để bụi bẩn và hóa chất trôi ra ngoài. Nếu vỏ cứng và khó rửa, bạn có thể dùng bàn chải chà rửa rồi rửa sạch lại với nước khoảng 15-20 phút là có thể ăn.

Chế độ ăn uống hay tập luyện quan trọng hơn?

Chế đô ăn hay thói quen tập luyện có ảnh hưởng lớn hơn đối với sức khỏe? Tập luyện hay ăn uống đều có những ảnh hưởng lớn
Tùy vào những mục đích khác nhau mà tập luyện và ăn uống sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau
Giảm cân. Giảm calo là điều quan trọng nhất trong giảm cân, do đó chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong giảm cân. Trong khi đó tập luyện đốt cháy mỡ thừa và kiểm soát cân nặng. Cả 2 đều rất quan trọng nhưng nếu không giảm calo thì bạn sẽ rất khó giảm cân cho dù có luyện tập năng nổ.
Để có nhiều năng lượng hơn. Bạn cần tập trung vào duy trì lượng đường huyết lành mạnh. Do vậy, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng. Ăn uống đúng cách, đúng thời điểm sẽ giúp ích cho bạn. Để duy trì năng lượng ổn định, nên ăn lượng thức ăn nhỏ vào những khoảng thời gian cách đều nhau.
Giảm nguy cơ tim mạch. Trong trường hợp này bạn cần tập luyện. Nếu không tăng cường hoạt động thể chất, bạn không thể giữ cho trái tim khỏe mạnh. Ngoài ra, cũng cần tránh xa các loại thực phẩm không lành mạnh.
Để trí óc minh mẫn. Tập luyện một lần nữa đóng vai trò quan trọng. Những người hoạt động có thể tập trung tốt hơn. Ngoài ra, những thực phẩm tốt cho não cũng giúp trí óc minh mẫn.
Đối với đời sống tình dục. Tập luyện có thể cải thiện ham muốn. Mặc dù có một số loại thực phẩm cũng giúp cải thiện ham muốn nhưng nếu thiếu tập luyện mọi nỗ lực của bạn sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.
Đối với sức khỏe chung. Cả chế độ ăn và tập luyện đều có vai trò riêng của nó và không nên bỏ qua một trong hai điều này. Trái lại, bạn nên cân bằng cả hai.

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Bong bóng cá tốt cho cả hai giới

Bóng cá còn gọi bong bóng cá, ngư biêu, ngư giao,... Bóng cá của các loài cá lớn như cá chiên, cá tầm, cá lạc, cá đường, cá vàng lớn vùng biển, cá tra, cá ba sa vùng cá nước ngọt... là thực phẩm cao cấp về dinh dưỡng và được dùng làm thuốc.
Bóng cá chứa protid dạng keo (gelatin), lipid, đường, nguyên tố vi lượng và vitamin...; vị ngọt, tính bình; vào thận. Bóng cá có tác dụng bổ thận ích tinh, tư dưỡng cân mạch, chỉ huyết, tán ứ tiêu thũng. Dùng cho các trường hợp di tinh, hoạt tinh, thổ huyết, khái huyết, uốn ván kinh giật, băng huyết, trĩ lậu, đại tiện xuất huyết. Liều dùng và cách dùng: 9 - 50g bằng cách nấu, hầm, xào, rán. Khi dùng nên ngâm rửa bóng cá bằng gừng và rượu trắng, vắt khô. Xin giới thiệu một số món ăn thuốc có bóng cá:
Trứng gà chiên bóng cá: bóng cá đã chế biến 150g nướng chín vàng tán bột mịn, mỗi lần dùng 15 - 30g, trộn với 2 quả trứng gà, hấp hoặc chiên trên chảo. Khi ăn, uống với nước ấm có pha chút rượu. Dùng đợt 5 - 7 ngày, cho phụ nữ bị bạch đới, khí hư rong kinh rong huyết, kinh nguyệt không đều.
Cháo bóng cá.
Bóng cá ngũ vị: bóng cá 50g, lạp xường 3 cây, ớt xào 1 quả, hành lá 2 - 3 nhánh, rượu mai quế lộ 1/3 thìa súp, tỏi 1 củ và gia vị. Lạp xường, ớt thái lát; hành rửa sạch thái ngắn, bóng cá làm sạch thái nhỏ, rán vàng, vớt ra để ráo. Tỏi đập giập, băm nhỏ, phi trong dầu đến thơm, cho lạp xường vào rán chín, sau đó cho hạt điều, ớt và rượu mai quế lộ, hạt nêm vừa ăn. Cho bóng cá rán và hành vào, đảo nhanh và tắt bếp. Món khai vị, có tác dụng bổ tỳ thận. Chữa di tinh, hoạt tinh, thổ huyết, khái huyết, trĩ lậu, đại tiện xuất huyết.
Súp bóng cá thịt cua: bóng cá 10g, xương ức gà, đầu cổ hay chân gà 0,5kg, thịt cua 200g, trứng gà 2 quả, bột năng 100g, hạt nêm, hành tây, rau mùi, hạt tiêu tán mịn. Bóng cá làm sạch thái hạt lựu. Hầm xương gà với khoảng 2,5 lít nước, vớt bọt liên tục để nước trong; khi thịt mềm, bỏ xương, cho hạt nêm vào nước dùng cho vừa ăn. Thịt cua trộn với hành tây, 1/3 thìa cà phê bột tiêu và ít dầu, đảo đều. Cho bóng cá và thịt cua vào nồi nước dùng, nấu chín kỹ. Hòa bột năng với ít nước lạnh, khuấy cho tan, cho bột vào canh, khuấy đều, đun sôi. Trứng đánh tan, rưới vào súp, khuấy đều, múc ra bát, rắc rau mùi thái nhỏ, hạt tiêu. Ăn nóng. Món khai vị, tác dụng bổ tỳ thận, trị đau lưng.
Cháo bóng cá: bóng cá 50g, gạo nếp 50g. Bóng cá sơ chế sạch, thái nhỏ, nấu thành cháo, thêm muối mắm gia vị. Dùng cho phụ nữ bị đau bại vùng thắt lưng, huyết trắng, ăn kém không tiêu do tỳ thận hư nhược.
Bóng cá hấp đường: bóng cá 30g, đường trắng 60g. Bóng cá sơ chế sạch, thái miếng cho vào nồi, cho tiếp đường hòa tan trong nước, đun cách thủy cho chín nhừ. Mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục một đợt 7-10 ngày. Dùng cho người trĩ lậu đại tiện xuất huyết.
Kiêng kỵ: Người có rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đàm thấp không dùng.
Lưu ý: Chọn bóng cá có màu trắng đục hay vàng nhẹ, khô ráo, có độ cứng giòn đặc trưng. Tránh mua loại có màu vàng sậm, ẩm ướt, có mốc hoặc có mùi tanh nồng. Không nên mua nhiều để dự trữ vì bóng cá rất dễ chuyển màu và mốc. Khi chế biến, rửa sạch, ngâm bóng cá trong nước gừng có pha ít rượu trắng để loại bỏ mùi tanh.
TS. Nguyễn Đức Quang

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Nhận biết suy dinh dưỡng ở người cao tuổi

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là yếu tố quan trọng cho sức khỏe con người ở mọi lứa tuổi, nhất là người cao tuổi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, người cao tuổi thường phải đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, là nguyên nhân dẫn tới bệnh tật và tử vong.
Người cao tuổi bị suy dinh dưỡng thường có biểu hiện: Đờ đẫn, lơ là với mọi người và sự việc xảy ra xung quanh hoặc đôi khi lại gắt gỏng, khó tính; Da khô, xanh lợt, dễ bầm, vết thương lâu lành; Tóc khô giòn, rụng nhiều; Móng tay khô, nứt; Ăn không ngon miệng, giảm cảm giác với mùi vị thực phẩm; Miệng khô, lưỡi và môi lở; Nhai nuốt khó khăn, hay buồn nôn; Đại tiện bón, lỏng bất thường; Nhịp tim nhanh; Hơi thở khó khăn; Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm, các bệnh đang có trầm trọng thêm lên, di chuyển khó khăn, dễ ngã, dễ bị tai nạn...
Người cao tuổi cần có chế độ ăn uống hợp lý để phòng ngừa suy dinh dưỡng.
Tuy nhiên, suy dinh dưỡng ở người cao tuổi có thể điều trị và phòng ngừa được. Bạn cần đưa bố bạn đi khám sức khoẻ để xác định nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp. Để phòng ngừa suy dinh dưỡng, người cao tuổi cần được những người thân trong gia đình chăm sóc tốt về chế độ ăn uống và cần có một đời sống tinh thần khỏe mạnh, cần được khám và điều trị tốt nếu có bệnh.
Chúc bố bạn mau khoẻ!
BS. Nguyễn Văn Đức

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Thường xuyên ăn chay có ảnh hưởng tới sức khỏe không?

Bất ngờ với một nghiên cứu tại Mỹ cho rằng ăn chay thời gian dài có thể làm thay đổi cấu trúc gien, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư và tim mạch
Thật bất ngờ khi mà trước đây có nhiều ý kiến cho rằng ăn chay là cách ăn uống tốt có thể ngừa ung thư. Những trong một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Cornell của Mỹ vừa thực hiện cho biết ăn chay lâu dài sẽ khiến gien thay đổi để có thể thế hấp thụ axit béo từ thực vật tốt hơn. Đồng thời, quá trình này cũng thúc đẩy cơ thể sản xuất axit arachidonic, làm tăng nguy cơ bị ung thư, tim mạch và các bệnh viêm nhiễm khác.
Nhóm nghiên cứu tiến hành so sánh hàng trăm bộ gien của những người chỉ ăn toàn rau củ ở thành phố Pune, Ấn Độ với những người có thói quen ăn nhiều thịt ở bang Kansas, Mỹ. Kết quả cho thấy sự khác biệt đáng kể về mặt di truyền.
Họ cũng nhận thấy những thay đổi về mặt di truyền ở những người chỉ toàn ăn rau củ có thể gây cản trở việc hập thụ Omega 3, một loại axit béo rất có lợi cho tim.
Những phát hiện mới có thể giúp giải thích phần nào một số nghiên cứu trước đây cho rằng người chỉ ăn toàn rau củ có khả năng mắc ung thư kết trực tràng cao hơn gần 40% so với những người ăn thịt.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác của các chuyên gia ở Đại học Harvard, Mỹ cũng phát hiện việc ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Nguyên nhân do việc ăn nhiều rau quả sẽ nạp vào cơ thể các chất còn động lại từ thuốc trừ sâu nhiều hơn, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Mẹo tăng cường chuyển hóa và phòng bệnh tiểu đường

Bạn không cần phải tham gia các câu lạc bộ hoặc tập gym hay dành nhiều thời gian để phòng ngừa tiểu đường. Thay vào đó, bất kể là trẻ nhỏ, người nội trợ hay nhân viên văn phòng, chỉ cần thực hiện những điều dưới đây sẽ giúp tăng cường chuyển hóa và phòng tránh bệnh tiểu đường:
- Để giảm nguy cơ tiểu đường ở trẻ nhỏ, cần khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao ngoài trời ít nhất 1 giờ mỗi ngày, cùng với giảm thời gian dùng máy tính xuống tối đa 2 giờ ngày.
- Đối với người nội trợ, đi bộ buổi sáng sớm hoặc tối muộn hàng ngày có thể là không khả thi, trong những trường hợp này, những việc vặt trong nhà như vệ sinh tường, cửa sổ, lau sàn nhà, là quần áo … là đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động thể chất hàng ngày.
- Không cần tập luyện như đi bộ nhanh 45 phút ở tốc độ 4km/giờ để phòng ngừa tiểu đường. Tuy nhiên, nếu bạn trên 35 tuổi, cần kiểm tra sức bền trước khi bắt đầu tập luyện và kiểm tra thể chất kỹ càng để loại trừ vấn đề xương và khớp.
- Nếu bạn rất bận rộn hoặc không có thời gian đi bộ nhanh, bạn có thể tăng cường hoạt động thể chất bằng cách đi cầu thang bộ thay vì thang máy hoặc đi bộ nhanh khi đang làm việc.
- Cuối cùng, không có cách nào tốt hơn việc tập luyện ít nhất 40 phút mỗi ngày hoặc 5 lần mỗi tuần để cải thiện trao đổi chất và ngăn ngừa tiểu đường hoặc béo phì.

BS Tuyết Mai/Univadis
(Theo THS)

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Ginkgo Biloba: Hiểu thêm công dụng, tác dụng không mong muốn

Nhiều nghiên cứu gần đây cho biết: Ginkgo biloba không có công dụng đa năng và cũng không hoàn toàn lành tính như người ta vẫn nghĩ.
Cao lá bạch quả (Ginkgo biloba) được chuẩn hóa chứa 24% flavonoid, 6% ginkgolid biloba (diterpen lacton) và không quá 5 phần triệu axít ginkgolic (viết tắt là EGB).
Nhìn lại dược tính, ứng dụng lâm sàng của EGB
EGB làm tăng chức năng tuần hoàn não, tăng tính chịu đựng của mô não khi thiếu oxy, chống oxy hóa gốc tự do, ổn định màng tế bào nên được coi như là chất bảo vệ thần kinh. EGB còn có yếu tố ngăn cản kích hoạt tiểu cầu nên có tính chống đông máu. Ngoài ra, EGB còn làm thư giãn nội mô gan qua sự ngăn chặn 3-cyclo GMP (guanosid monophosphat), ngăn chặn bớt mật độ nhạy cảm của thụ thể cholin, thụ thể gây tiết epinephrin, kích thích sự hấp thụ cholin ở chân hải mã (hypocampus). EGB cũng ngăn cản việc kết tụ mảng amyloid (nguyên nhân gây bệnh Alzheimer).
Hiệu năng của EGB đã được chứng minh trên các thử nghiệm có đối chứng với giả dược ở người bị thiểu năng tuần hoàn não, bị suy giảm chức năng tuần hoàn chung, bị suy mạch máu ngoại vi, rối loạn thính giác. Do thế, EGB được dùng trong các trường hợp: điều trị thiểu năng tuần hoàn não (với các biểu hiện chính ù tai, chóng mặt, giảm thị lực…); điều trị thiểu năng tuần hoàn não khi chưa xảy ra tai biến mạch máu não nhằm dự phòng từ xa và sau khi đã xảy ra tai biến mạch máu não nhằm dự phòng tái phát tai biến này. Điều trị các triệu chứng đau (do suy tuần hoàn ngoại vi  như: đau thắt khi đi ngoài, rối loạn dinh dưỡng), triệu chứng khập khễnh cách hồi, hội chứng Raynaud, chứng nhược dương (phối hợp với papaverin).

- Trong 10 năm gần đây có hàng trăm công trình nghiên cứu lại  dược tính, ứng dụng lâm sàng của EGB. Trong số này, có một số đã đưa ra kết luận:
- Mặc dù EGB có tính năng ngăn chặn mảng amyloid nhưng EGB không có lợi ích lâm sàng với người người bị bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ tuổi già do đó thế không dùng EGB cho người Alzheimer nặng (lú lẫn), cũng rất ít khi dùng trong trường hợp Alzheimer nhẹ.
- Trong điều trị chứng khập khễnh cách hồi, tuy EGB có hiệu quả nhưng thấp chỉ có thể có được khi dùng với liều khá cao (240mg/ngày).
- Trong chứng ù tai thấp, EGB hầu như chỉ có hiệu quả với người mới bị ù tai nhẹ do vận mạch.
Nhận biết các tác dụng không mong muốn và khuyến cáo
Các nghiên cứu lâm sàng cũng ghi nhận EGB có các tác dụng không mong muốn: gây nhức đầu, bồn chồn, buồn nôn, tiêu chảy; làm tăng nguy cơ chảy máu (do có yếu tố ngăn cản sự kích hoạt tiểu cầu chống đông máu). Một số trường hợp cá biệt có thể gặp biến chứng nghiêm trọng như: xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết trong não, xuất huyết tiền phòng mắt (chưa rõ lý do). Chưa có tài liệu nào chứng minh tính an toàn của EGB ở người mang thai.
Theo đó, các nhà nghiên cứu lâm sàng đưa ra một số khuyến cáo:
- Không dùng EGB cho người có rối loạn đông máu. Không nên dùng chung EGB với các thuốc chống đông máu (warparin, heparin) hay các thuốc ngăn ngừa sự tập kết tiểu cầu (aspirin, dipiridanol, ticlopidin),với dược thảo đặc biệt có có chứa coumarin (fefeverfew, tỏi, sâm, clover đỏ) vì các phối hợp này sẽ tăng tính chống đông máu của EGB và các chất các thảo dược chống đông khác, làm tăng sự chảy máu.
- Nên ngừng dùng EGB trong 36 giờ hay tốt nhất là 14 ngày trước khi phẫu  thuật (nhằm tránh nguy cơ tăng chảy máu).
- Không dùng chung EGB với thuốc chống động kinh như: carbamazepin, valproic axít vì EGB làm giảm hiệu lực thuốc chống động kinh.
- Tai biến mạch máu não có hai loại, một loại là chảy máu não do vỡ mạch, một loại là nhũn não do huyết khối làm tắc nghẽn mạch. EGB được chọn dùng trong trường hợp tai biến mạch máu não loại nhũn não mà không dùng trong trường hợp tai biến mạch máu não do chảy máu não (do EGB làm tăng tính chảy máu).
- Không nên dùng chung EGB với tradone vì có thể bị hôn mê (mới gặp một số trường hợp nhưng chưa giải thích được lý do).
- Không nên dùng cho người có thai  vì chưa chứng minh được tính an toàn.

Kết luận
Người xưa dùng lá Ginkgo biloba có hiệu quả, an toàn. Do đó khi chiết ra EGB người ta tin cậy hoàn toàn vào kinh nghiệm đó. Các tài liệu trước đây ghi nhiều công dụng, không ghi tác dụng không mong muốn nào. Ngày nay, những nghiên cứu dược tính ứng dụng lâm sàng cho thấy EGB chỉ thực sự có công dụng trong một số trường hợp nhất định, đồng thời cũng chỉ ra những tác dụng không mong muốn mà trước đây chưa đề cập đến. Biết thêm những điều này để dùng EGB cho hợp lý.
DS.CKII. BÙI VĂN UY

Chùm ngây, cây phòng ung thư

Hợp chất zeatin, với năng lực chống lão hóa mạnh mẽ, trong chùm ngây cao gấp vài ngàn lần so với bất kỳ một loại cây nào khác. Thêm vào đó, chùm ngây cũng có 2 loại hợp chất phòng ung thư và chặn đứng sự tăng trưởng của khối u, khiến cây được mệnh danh là loại cây phòng ung thư.
Mô tả cây
Chùm ngây hay ba đậu dại Moringa oleifera là loài thực vật thân gỗ phổ biến nhất trong chi Chùm ngây (danh pháp khoa học: Moringa) thuộc họ Chùm ngây (Moringaceae).
Cây chùm ngây có nhiều tên gọi khác nhau như: cải ngựa (Horseradish tree, do rễ non của cây có vị của cải ngựa, mù tạt), cây dùi trống (Drumstick tree, do thân/quả cây giống dùi trống), cây dầu bel (Bel-oil tree, do dầu ép từ hạt cây được bán với tên gọi bel-oil).
Cây thân mộc cao cỡ trung bình, ở độ tuổi trưởng thành cây có thể mọc cao hàng chục mét. 1 tuổi nếu không cắt ngọn cây có thể cao tới 5 - 6m và có đường kính 10cm. 3 - 4 năm tuổi là cây ở độ tuổi trưởng thành.
Thân cây óng chuốt, không có gai. Lá kép dài 30 - 60cm, hình lông chim, màu xanh mốc; lá chét dài 12 - 20mm hình trứng, mọc đối có 6 - 9 đôi.
Lá chùm ngây chứa nhiều dưỡng chất hơn cả quả và hoa
Cây trổ hoa vào các tháng 1 - 2. Hoa trắng kem, có cuống, hình dạng giống hoa đậu, mọc thành chùy ở nách lá, có lông tơ, nhiều mật.
Quả dạng nang treo, dài 25 - 40cm, ngang 2cm, có 3 cạnh, chỗ có hạt hơi gồ lên, dọc theo quả có khía rãnh. Hạt màu đen, tròn có 3 cạnh, lớn cỡ hạt đậu Hà Lan.
Ở Việt Nam, chùm ngây là loài duy nhất của chi Chùm ngây được phát hiện mọc hoang từ lâu đời tại nhiều nơi như: Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng Bảy Núi ở An Giang, đảo Phú Quốc...
Chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại axít amin, 46 chất chống oxy hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan.
Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu chất đạm, vitamin, beta-caroten, axít amin và nhiều hợp chất phenol. Cây chùm ngây cung cấp một hỗn hợp gồm nhiều hợp chất như zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic acid và kaempferol.
Lá chùm ngây còn chứa nhiều dưỡng chất hơn cả quả và hoa, tính theo trọng lượng, trong đó vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa, sắt gấp 3 lần cải bó xôi, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và potassium gấp 3 lần trái chuối.
Những nghiên cứu về chùm ngây đa số được thực hiện ở Ấn Độ, Philippines và châu Phi.
Cây được biết đến và sử dụng từ hàng ngàn năm ở các nước có nền văn minh cổ như: Hy Lạp, Ý, Ấn Độ.
Hầu hết các bộ phận như lá, hoa, quả, hạt, rễ, thân của cây chùm ngây đều hữu dụng với con người.
Những công dụng
Phòng bệnh ung thư, thoái hóa điểm vàng và xơ nang: lá của cây chùm ngây có chứa 46 loại chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin C và vitamin A. Đây là những chất chống oxy hóa vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Các chất chống oxy hóa này giúp trung hòa các tác động tàn phá của các gốc tự do, từ đó bảo vệ chúng ta khỏi bệnh ung thư và các bệnh thoái hóa như thoái hóa điểm vàng và bệnh xơ nang.
Phòng ngừa loãng xương: với hàm lượng canxi và magie phong phú, cây chùm ngây trở thành một trong những loại thực vật có tác dụng tốt cho xương.
Tốt cho da: cây chùm ngây chứa cytokinin (Moringa YSP) - một loại kích thích tố thực vật tạo ra phân chia tế bào, tăng trưởng, và làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào.
Rau chùm ngây là nguồn thức ăn tốt cho trẻ sơ sinh và bà mẹ vừa mới sinh con: sự chú ý đến công dụng của chùm ngây ngày càng tăng lên tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong thực tế, loài cây này đã vượt ra ngoài khuôn khổ là một loại rau mà được sử dụng rộng rãi và đa dạng trong công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát dinh dưỡng và thực phẩm chức năng.
Chống suy dinh dưỡng trẻ em tại các quốc gia đang phát triển: các quốc gia đang phát triển sử dụng chùm ngây như dược liệu kết hợp chữa  bệnh như phòng và trị ung thư, đái tháo đường, thiếu máu, còi xương, tim mạch, kinh phong, sưng tấy, viêm nhiễm, mỡ máu, đau dạ dày, ngừa thai, ung loét, lão hóa, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, trị chứng bất lực và tăng cường khả năng ham muốn tình dục.
Dùng ngoài: giã nát lá đắp lên vết thương giúp trị sưng và nhọt. Lá cũng có thể trộn với mật ong để đắp lên mắt trị sưng đỏ.
Dầu được chế từ hạt chùm ngây trị phong thấp.
Hạt chùm ngây giúp trị táo bón, mụn cóc và giun sán. Ngoài ra, hạt chùm ngây còn có tác dụng lọc nước. Hạt có chứa các hợp chất “đa điện giải” tự nhiên có thể dùng làm chất kết tủa để làm trong nước.
Tại các vùng ô nhiễm nơi nông thôn nghèo châu Á, châu Phi, hạt chùm ngây thường được nghiền nát hòa vào nước, để lắng, các chất cặn bẩn sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Nước sạch này còn được sát khuẩn do tác dụng của chất dầu cay trong hạt, nên có thể dùng ngay làm nước uống.
Chú ý: phụ nữ có thai không nên ăn chùm ngây vì trong rau chùm ngây có alpha - sitosterol gây co cơ trơn tử cung và làm sảy thai.
Khi nấu canh rau chùm ngây chỉ cần vừa chín tới để bảo tồn tốt nhất dưỡng chất, không cần nhiều rau vì lượng dinh dưỡng trong rau rất cao, nêm ít gia vị, không cần hoặc cần rất ít mì chính vì rau có vị ngọt đậm tự nhiên.

BS. NGUYỄN THỊ BẠCH MAI

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Những thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng gây đầy hơi

Có nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng có thể gây đầy hơi. Dưới đây là những thực phẩm gây đầy hơi và cách phòng tránh:

Đậu đỗ

Đậu đỗ là loại thực phẩm giàu protein, chất xơ và nhiều dưỡng chất khác mà bạn không nên bỏ qua. Tuy nhiên, nhiều người lại bị chướng bụng, đầy hơi khi ăn loại thực phẩm lành mạnh này. Có một cách đơn giản để khắc phục tình trạng này là ngâm đậu đỗ qua đêm trước khi chế biến. Điều này sẽ giúp tiêu hóa chúng dễ dàng hơn.

Tỏi

Cũng có nhiều người bị chướng bụng đầy hơi sau khi ăn tỏi. Tỏi rất có lợi cho sức khỏe và không nên tránh sử dụng chỉ vì nó gây đầy hơi. Bạn có thể nấu kỹ tỏi trước khi ăn, chỉ cần chế biến nó cùng với thực phẩm khác để tránh đầy hơi.

Hành tươi

Hành gây đầy hơi vì có chứa fructans, có thể gây ra khí. Loại rau này có nhiều lợi ích cho sức khỏe và bạn nên nấu chín để tránh đầy hơi. Nếu vẫn bị vấn đề này thì nên nấu hành với các loại gia vị và thảo dược như bạch đậu khấu, quế.

Súp lơ, cải bắp

Những loại rau này thuộc rau họ cải và đều được cho là gây đầy hơi. Những thực phẩm này tốt cho giảm cân, rất giàu chất xơ, sắt, nhiều vitamin và khoáng chất, và do đó phải được bao gồm trong chế độ ăn uống của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đang thực sự bị các vấn đề với dạ dày như chướng bụng, đầy hơi thì có thể chọn cải bó xôi, dưa chuột, rau diếp và bí xanh thay cho các loại rau họ cải.

Bột mì

Tình trạng mẫn cảm với glutein xảy ra với một số người ăn bột mì, khi họ bị dị ứng với một protein có trong bột mì là glutein. Có nhiều dấu hiệu không dung nạp gluten từ đầy hơi tới phát ban da. Nếu bạn thấy dạ dày có vấn đề sau khi ăn bột mì, bạn cũng có thể dị ứng với nó. Khi đó, thay vì bột mì, bạn có thể chọn yến mạch, kiều mạch và quinoa.

Sản phẩm từ sữa

Sữa, pho mát, sữa chua, bơ vv… đều tốt cho sức khỏe nhưng có thể gây đầy hơi. Nếu bạn bị đầy hơi sau khi ăn những thực phẩm này thì có thể dùng nước cốt dừa, sữa hạnh nhân, sữa đậu nành v.v…thay cho các sản phẩm sữa.

Lúa mạch

Đây là một trong những thực phẩm giảm cân tốt nhất, giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, giúp bạn no lâu. Nếu bạn cảm thấy khó chịu sau khi ăn loại thực phẩm này, bạn có thể ăn gạo nâu, kiều mạch, yến mạch và quinoa thay vì lúa mạch
BS Cẩm Tú
(Theo Boldsky/Univadis)

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Mứt – món ngon, vị thuốc ngày xuân

Nếu như bánh chưng - bánh dầy là món không thể thiếu vắng trong ngày Xuân thì mứt cũng như “cái hồn” không thể mất đi của Tết cổ truyền dân tộc.
Mứt là món ăn truyền thống dùng đãi khách mỗi độ Xuân về. Nếu như bánh chưng - bánh dầy là món không thể thiếu vắng trong ngày Xuân thì mứt cũng như “cái hồn” không thể mất đi của Tết cổ truyền dân tộc. Nếu ta thưởng thức chúng một cách thích hợp sẽ mang lại nguồn dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Dưới đây là những tác dụng có lợi cho sức khỏe của một số loại mứt điển hình.
Mứt gừng: ăn từ 10 - 15g mỗi ngày có tác dụng làm ấm người, kích thích tiêu hóa. Mứt gừng có tác dụng giải độc, chống nôn mửa, bụng đầy trướng, đau bụng do ăn uống không điều độ; dùng phòng bệnh viêm đường hô hấp (viêm họng, ho mất tiếng)...
Mứt cà rốt: dùng 30 - 50g/ngày có tác dụng bổ huyết, kích thích tiêu hóa. Dùng cho người ăn khó tiêu, gầy còm, thiếu máu, trẻ em chậm lớn, chậm mọc răng và tiêu chảy kéo dài do thiếu dinh dưỡng. Mứt cà rốt còn chữa được kiết lị mãn tính. Trong cà rốt còn có tiền vitamin A - có tính năng ngăn ngừa khô giác mạc, quáng gà, vết thương lâu lành và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Mứt là món ăn truyền thống đãi khách mỗi dịp xuân về.

Mứt tắc (quất):
giải khát, kích thích tiêu hóa, ngon miệng, tiêu đờm, chống nôn mửa tốt, đồng thời cũng là thuốc giúp giải độc rượu, thuốc lá, chữa ho do phong hàn, các bệnh đường tiêu hóa (đầy tức vùng thượng vị, đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn), đau bụng hoặc sa tử cung sau sinh...
Mứt hồng: hồng nguyên trái ép dẹp sấy khô hoặc là hồng rim đường dùng từ 60 - 100g/ngày, có tác dụng chữa suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng. Khi ăn mứt hồng, đừng vứt vỏ vì vỏ hồng là một vị thuốc tốt chữa ho và bệnh đi tiểu đêm.
Mứt sen: ngày ăn từ 20 - 50g hạt sen vừa bổ, vừa có tác dụng an thần đối với người suy nhược, kém ăn, mất ngủ do stress hoặc do sử dụng nhiều các thứ kích thích như: cà phê, thuốc lá, rượu bia...
Mứt cà chua: nhiều tiền vitamin A dùng cho người suy dinh dưỡng và người lao động trong môi trường nóng bức hay ô nhiễm, có tác dụng giải nhiệt, giải khát và tăng lực. Vỏ cà chua có lycopen là một chất ngăn ngừa ung thư hiệu quả.
Mứt bí: có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, giải khát, tiêu độc. Cũng vì để làm món mứt bí này mà các bà nội trợ phải chuẩn bị suốt một, hai tháng trước Tết. Từ việc đi mua loại bí đao già có phấn trắng trên vỏ, không sâu, rồi bảo quản cho đến gần Tết mới chế biến, sau đó phải mang phơi nắng. Nhờ sự tỉ mẩn và công phu như vậy mà khi nhấm nháp miếng mứt bí, bạn sẽ “cảm” ngay vị ngọt lịm - mát - đậm đà hương vị Tết...

Mứt còn có tác dụng chữa bệnh.

Mứt đậu phộng:
giá trị dinh dưỡng cao do các chất đạm, đường, béo chứa trong hạt, cung cấp lượng kali, canxi, niacin, magiê... lớn giúp cơ thể tăng cường khả năng chống rét.
Mứt dừa: có tác dụng nhuận tràng, là vị thuốc chống táo bón trong những ngày Tết do ăn nhiều chất đạm. Xứ dừa Bến Tre nổi tiếng món này, sợi mứt dừa nhỏ vừa dẻo vừa thơm ngon, béo ngậy - đặc biệt là món mứt dừa non.
Mứt khoai lang: có tác dụng bồi dưỡng và nhuận tràng, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt, vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, phụ nữ kinh nguyệt không đều (dùng trước kỳ kinh), nam giới di tinh, trẻ em cam tích, lị.
Mứt phật thủ: có tác dụng kích thích hô hấp, chữa ho và kích thích tiêu hóa nếu làm món khai vị. Những người lo âu và tiêu hóa kém nên dùng mứt phật thủ.
Mứt me: có tác dụng nhuận trường nhẹ, nhiều acid sinh học và acid tartrat từ potassium, chống buồn nôn, giải khát và xua tan mệt mỏi, hạ sốt.
Bs. Thu Hương

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Mẫu lệ - Vị thuốc cố tinh

Mẫu lệ là tên thuốc trong y học cổ truyền của vỏ hàu, một loài nhuyễn thể sống ở biển. Dược liệu vỏ hàu nguyên mảnh có hình bầu dục hoặc tam giác dài, to nhỏ, dày mỏng không đều.
Mẫu lệ là tên thuốc trong y học cổ truyền của vỏ hàu, một loài nhuyễn thể sống ở biển. Dược liệu vỏ hàu nguyên mảnh có hình bầu dục hoặc tam giác dài, to nhỏ, dày mỏng không đều. Mặt ngoài màu xám nhạt hoặc xám pha tía, vân cong hằn rõ, mép cong. Mặt trong màu trắng sữa, nhẵn bóng. Chất cứng, chắc nặng, đập khó vỡ. Khi dùng chế biến vỏ hàu theo cách sau:

Hàu
Cho vỏ vào nồi cùng với cát, trát kín, nung khoảng 12 giờ đến khi vỏ có màu xanh nhạt và bóp vụn là được. Có thể nung khô hoặc tẩm giấm rồi tán thành bột mịn. Vỏ hàu chứa hàm lượng calci cao: 80-95% dưới dạng muối carbonat, phosphate, magiê, sắt, nhôm và chất hữu cơ. Dược liệu mẫu lệ có vị mặn, chát, tính hơi lạnh, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, cố tinh, làm dịu, giảm đau, được dùng trong những trường hợp sau:
- Chữa di mộng tinh: mẫu lệ 10g, lộc giác sương 50g, trộn đều, rây bột mịn, uống mỗi ngày 8-16g, nước sắc dây tơ hồng 30g.
- Chữa tiểu dắt, tiểu són: mẫu lệ nung đỏ, cao da trâu, lộc nhung, tang phiêu tiêu sao với rượu (lượng mỗi thứ bằng nhau) tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với hồ nếp làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 50 viên chia làm 2 lần, chiêu với nước muối pha rượu vào lúc đói. Hoặc bột mẫu lệ 40g, nhồi vào bong bóng lợn rồi nấu nhừ. Để nguội, bỏ bột mẫu lệ, thái nhỏ, ăn trong ngày.
- Dùng ngoài đắp chữa sưng đau ngọc hành ở trẻ em: mẫu lệ nung đỏ, tán nhỏ trộn với đào nhân giã nát (lượng bằng nhau) thêm nước cho nhão đắp lên vùng sưng (Nam dược thần hiệu).
- Chữa chứng dương hư, sốt về chiều: mẫu lệ 12g, bạch thược 10g, phụ tử chế 10g, gừng sống 10g, cam thảo 3g, đại táo 3 quả. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
- Chữa ra mồ hôi trộm: mẫu lệ, đỗ trọng (lượng bằng nhau) phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống mỗi lần một thìa cà phê với ít rượu. Ngày 2-3 lần (Hải Thượng Lãn Ông). Hoặc mẫu lệ 8g uống với nước sắc hoàng kỳ và ma hoàng (mỗi thứ 6g).
Bột mẫu lệ nung 12g, long cốt nung 12g, hoàng kỳ 12g, bột tẻ 40g, trong biệt dược “Ôn phấn” dùng xoa chữa mồ hôi trộm rất tốt.
DS. Hữu Bảo